Vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thực thi các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP và EVFTA

Bài cuối: Đa dạng các hình thức giám sát, phối hợp

- Thứ Bảy, 26/11/2022, 05:39 - Chia sẻ

T.S HOÀNG THỊ LAN - Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội

Cùng với tăng cường số lượng, nâng cao giá trị pháp lý hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với thực thi CPTPP và EVFTA, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Đối ngoại trong thẩm tra các dự thảo luật, nghị quyết, nghị định được ban hành để thực thi các cam kết theo CPTPP và EVFTA; có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với Ủy ban Đối ngoại trong quá trình giám sát để lồng ghép giám sát thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội.

Tăng cường các hoạt động giám sát độc lập

Thực tế đặt ra yêu cầu tăng cường các hoạt động giám sát độc lập về việc thực thi các cam kết theo CPTPP và EVFTA. Ngoài tăng cường số lượng các đoàn giám sát, cần nâng cao giá trị pháp lý của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với thực thi CPTPP và EVFTA. Đây cũng là một trong những nội dung được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất trong thời gian tới. Theo đó, trong Kết luận số 598/KL-UBTVQH14 ngày 22.10.2020 về giám sát chuyên đề Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên nhấn mạnh: “Quốc hội xem xét tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới vào thời điểm phù hợp; đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiếp tục theo dõi, giám sát nội dung này. Khi cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả triển khai thực hiện các FTA”.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa (Hải quan Thanh Hóa) hướng dẫn doanh nghiệp tra cứu thông tin. Ảnh N.Linh
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa (Hải quan Thanh Hóa) hướng dẫn doanh nghiệp tra cứu thông tin. Ảnh: N. Linh

Cùng với đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Đối ngoại trong thẩm tra các dự thảo luật, nghị quyết, nghị định được ban hành để thực thi các cam kết theo CPTPP và EVFTA.

Xác định thứ tự ưu tiên để xây dựng kế hoạch giám sát theo lộ trình

Tính đến thời điểm hiện nay, CPTPP có hiệu lực ở Việt Nam hơn 3 năm, EVFTA hơn 2 năm. Nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian qua là hoạt động “nội luật hóa” các cam kết theo CPTPP và EVFTA thành pháp luật quốc gia. Cơ bản các nội dung theo CPTPP và EVFTA đã được Việt Nam chuyển hóa thành pháp luật quốc gia. Cần xác định thứ tự ưu tiên để xây dựng kế hoạch giám sát theo lộ trình. Trước mắt, tập trung giám sát hoạt động “nội luật hóa” đó đã phù hợp và bảo đảm các yếu tố về thẩm quyền và tương thích với hệ thống pháp luật trong nước hiện tại. Thông qua giám sát việc ban hành các văn bản pháp luật để thực thi các điều ước quốc tế, sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Cũng thông qua giám sát, Quốc hội có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp.

Tiếp theo đó là giám sát việc thực thi và giám sát giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, công dân liên quan đến việc thực thi các cam kết này. Trong đó, tập trung giám sát các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện CPTPP và EVFTA.

Xây dựng cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan

Trong bối cảnh hội nhập, pháp triển bền vững, toàn diện và bao trùm như hiện nay, Ủy ban Đối ngoại được coi là cơ quan có phạm vi chuyên môn “đa lĩnh vực”. Bất cứ hoạt động, phạm vi giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đều ít nhiều có thể có nội dung đã được các điều ước quốc tế đề cập đến. Chính vì thế, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với Ủy ban Đối ngoại trong quá trình giám sát để lồng ghép việc giám sát thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Một ví dụ điển hình: Khoản 2 Điều 18.78 Hiệp định CPTPP quy định về việc các quốc gia thành viên phải xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với một hoặc các hành vi: (i) Tiếp cận một cách cố ý và trái phép tới bí mật kinh doanh được lưu giữ trong một hệ thống máy tính; (ii) chiếm đoạt một cách cố ý và trái phép bí mật kinh doanh, kể cả thông qua một hệ thống máy tính; (iii) bộc lộ một cách gian lận hoặc thay vào đó, bộc lộ một cách cố ý và trái phép bí mật kinh doanh, kể cả thông qua một hệ thống máy tính. Để bảo đảm cam kết thực thi cam kết trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 26.11.2021 để giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, các hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh được coi là hành vi phạm tội.

Nghị quyết số 08 được ban hành nhằm bảo đảm thực thi CPTPP. Tuy nhiên, nội dung của Nghị quyết có phạm vi chuyên môn gắn với hoạt động tư pháp và khoa học công nghệ. Chính vì vậy, quá trình giám sát thực hiện việc thực thi khoản 2 Điều 18.78 của Hiệp định CPTPP, cần sự phối hợp của cả ba cơ quan là Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Phát huy vai trò, trách nhiệm các đoàn đại biểu Quốc hội

Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của CPTPP và EVFTA rất đa dạng, tập trung vào các hoạt động kinh doanh thương mại và hỗ trợ kinh doanh thương mại, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của Nhân dân và các doanh nghiệp. Do vậy, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong giám sát thực thi các cam kết theo CPTPP và EVFTA khi nội dung thực hiện của các hiệp định đó được thực thi tại địa phương, đơn vị đại biểu ứng cử.

Đơn cử, ngày 31.5.2021, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 2669/TCHA - GSQL về việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong CPTPP và EVFTA. Theo đó, đối với các lô hàng nhập khẩu có mã số REX trị giá trên 6.000 euro theo quy định tại Hiệp định EVFTA và các lô hàng nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định CPTPP, cơ quan hải quan chấp nhận hình thức chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được cấp điện tử và được gửi cho người nhập khẩu trên hệ thống quản lý chung của cùng một tập đoàn, hoặc được gửi thông qua các phương thức điện tử khác. Các hình thức tự chứng nhận xuất xứ này được người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan theo hình thức đính kèm tờ khai hải quan nhập khẩu thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Đặc biệt, cơ quan hải quan không yêu cầu người khai hải quan nộp bản giấy chứng từ tự chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP, mẫu EVFTA nếu các chứng từ này đã được người khai hải quan đính kèm trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Do đó, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ do người khai hải quan nộp trên hệ thống để xác định xuất xứ hàng hóa theo quy định.

Đây là một trong rất nhiều hoạt động Việt Nam phải áp dụng để thực thi đúng cam kết theo CPTPP và EVFTA. Để việc thực thi có hiệu quả, các doanh nghiệp cần thực sự biết và hiểu về quyền lợi của mình, các cán bộ hải quan phải có trách nhiệm thực thi công vụ nghiêm minh. Bằng cơ chế giám sát thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri theo đối tượng, các ĐBQH, các đoàn ĐBQH sẽ thuận lợi nhất trong giám sát các cán bộ hải quan có thực hiện đúng nội dung như Công văn số 2669 của Tổng cục Hải quan và các doanh nghiệp có thực sự được thụ hưởng những thành quả mà CPTPP và EVFTA mang lại hay không? Muốn trả lời được câu hỏi đó, chắc chắn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương sẽ khó thực hiện một cách hiệu quả như các đoàn ĐBQH, các ĐBQH khi chính họ là người đang công tác và cư trú tại địa phương.